Trong chuyến dạo chơi cùng ngôn từ số 4 kì này, tôi mời bạn đến với từ “tri”.
Đa phần mọi người thường hay đánh đồng nghĩa của từ “tri” với “trí”, cho rằng 2 từ đều có nghĩa là thông minh, có trí tuệ.
Tuy nhiên, từ “tri” khi đứng một mình có nghĩa là BIẾT, không có nghĩa gì là thông minh cả. Cái gì thuộc về biết, hiểu biết, nhận biết, có ý thức, có phán đoán, có sự tính toán và ghi nhớ của con người thì được gọi là “tri”.
“Tri” thường không đứng một mình mà ghép chung với các từ khác mới có ý nghĩa hoàn chỉnh.
Để nhìn thấy rõ hơn nghĩa của từ này, tôi gửi đến bạn một số cặp từ hay có từ “tri” nhé.
– Tri thức: có nghĩa là sự hiểu biết.
– Trí tri: đạt đến mức độ cao nhất của sự hiểu biết.
– Cầu tri: tinh thần tìm tòi học hỏi.
– Dị tri: rất dễ biết.
– Vị tri: tình trạng chưa biết.
– Vô tri: không biết gì, không có ý thức – từ phủ định của “tri”.
– Tri chi: biết, có khả năng phân biệt được sự vật này với sự vật khác, hiện tượng này với hiện tượng khác.
Tôi thích từ “tri chi” vì nghe phát âm của nó thật hay.
Ngoài ra, còn bởi vì tôi đã biết đến từ này thông qua một câu rất hay của Khổng Tử mà tôi thấy tâm đắc ngay khi đọc được: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Có nghĩa là biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới là biết).
– Tri túc: khả năng biết thế nào là đủ, không có những ham muốn quá đáng, không chạy theo những đam mê điên cuồng để thỏa mãn bản năng dục vọng. Sống tri túc là cách sống đơn giản, cân bằng, biết đủ là đủ.
– Thông tri, cáo tri: báo cho biết, thông báo.
– Tri giao: là mối quan hệ quen biết, có liên hệ qua lại, có giao thiệp với nhau.
– Tri ngộ: một sự gặp gỡ quen biết nhau được xem trọng, hai bên đều muốn đối xử tốt và chân thành với nhau.
– Tri kỉ: là người bạn biết rõ về mình, rất hiểu mình, có nhiều sự tương đồng với mình về hoàn cảnh, về hệ ý thức, có thể cởi mở chia sẻ với nhau mọi điều.
– Tâm tri: hiểu rõ lòng dạ của nhau mà không cần phải nói thành lời.
– Cố tri: người quen biết cũ.
Ở góc độ cá nhân, tôi đặc biệt thích từ “tri” khi nó có thể mô tả thật cụ thể, phân biệt thật rõ mức độ thân thiết của những mối quan hệ từ quen biết sơ giao cho tới tình bạn, tình thân…
Trong cuộc đời mỗi người, có mấy lần tri ngộ, có mấy cuộc tri giao, có bao nhiêu người là tri kỉ? Muốn đạt đến tâm tri lại càng khó hơn. Cho nên, nếu bạn đã tìm được một người để bạn gọi bằng hai tiếng “tri kỉ”, nhớ quý trọng họ thật nhiều nhé. Sự may mắn của bạn có nhiều người muốn mà không được đấy.
Vậy là bạn đã có thêm một từ “tri” thật ý nghĩa sau bài viết này phải không nào. Hẹn gặp lại bạn ở những kì dạo chơi cùng ngôn từ khác nhé.
Võ Ngọc Đông Phương
Dạo chơi cùng ngôn từ số 1, “thiên lương”
Dạo chơi cùng ngôn từ số 2, “kim anh”
Dạo chơi cùng ngôn từ số 3, “thiên mộc”