“Lật Mặt 6” Dưới Góc Nhìn Truyền Thông Tiếp Thị

"Lật Mặt 6" dưới góc nhìn truyền thông tiếp thị
“Lật Mặt 6” dưới góc nhìn truyền thông tiếp thị

Nếu nhìn bộ phim Lật Mặt 6 của ê kíp Lý Hải dưới góc nhìn truyền thông tiếp thị thì sẽ như thế nào? Cùng xem ngay bạn nhé. 

Lý do vì sao Lật Mặt 6 đã hot từ khi còn chưa ra rạp?

Nếu bạn thường hay “xem này xem nọ” trên các trang mạng xã hội thì hơn cả tháng nay chắc bạn cũng đã “vô tình” hay “cố ý” biết được khá nhiều thông tin về bộ phim trước khi phim được công chiếu chính thức.

Nào là việc phục dựng bối cảnh làng nghề, phục dựng chợ chiếu Định Yên, rồi dựng lên cả một khu nhà trọ để phục vụ cho các cảnh phim. Nào là tình cảm của bà con đối với đoàn làm phim. Nào là những suất chiếu free đầu tiên dành cho bà con… Những thông tin hấp dẫn và có giá trị như thế cứ lần lượt được người xem biết đến.

Vậy là những gì bạn biết về bộ phim chính là những gì bạn “được cho biết”. Điều này có nghĩa là những gì bạn cần biết đều đã được lên kế hoạch để cho bạn biết.

Trước mỗi một sự kiện sắp diễn ra đều có những tin tức thú vị hay ho được tung ra nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Những tin tức này được gọi là các chất liệu truyền thông của sự kiện.

Chất liệu truyền thông của sự kiện là yếu tố không thể thiếu để làm truyền thông cho sự kiện, là những con ách chủ bài cho hoạt động truyền thông, giúp tăng khả năng được chú ý, tăng khả năng lan truyền cho một sự kiện sắp diễn ra, cụ thể ở đây là một bộ phim sắp ra rạp.  

Chất liệu truyền thông càng hay ho, càng hấp dẫn, thì sẽ càng có nhiều người biết đến phim. Mà càng có nhiều người biết đến phim thì khả năng thành công của phim chắc chắn sẽ cao hơn.

Với Lật Mặt 6, ê kíp của Lý Hải đã rất hiệu quả khi có chất liệu truyền thông nằm ngay trong sản phẩm, cụ thể ở đây là nằm ngay trong nội dung của phim.

Bạn thử nghĩ xem,

Nếu phim nói về một nghề phổ biến nào đó chứ không phải là nghề mang nét đặc trưng riêng và đậm chất truyền thống như là nghề dệt chiếu,

Và cứ cho là phim chọn nghề dệt chiếu truyền thống đi, nhưng nếu phim chọn quay ở những bối cảnh có sẵn chứ không phải là phục dựng những bối cảnh liên quan đến làng nghề, nào là một khu chợ nổi tiếng, nào là xưởng dệt, nhà kho…,

Và cứ cho là phim chọn phục dựng đi, nhưng nếu phục dựng một nơi chẳng có tên tuổi thay vì chọn phục dựng chợ chiếu Định Yên,

Thì liệu hiệu ứng lan truyền và ủng hộ có lớn đến như thế không?

Chắc chắn là không.

Những chọn lựa vừa nhân văn lại vừa mang tầm vóc hoành tráng như vậy, vừa hay nằm ngay trong nội dung bộ phim, đã giúp cho bộ phim có được chất liệu truyền thông cực tốt. Chẳng ai có thể từ chối việc nói tốt hoặc lan truyền cho việc làm đầy ý nghĩa nhân văn như vậy.

Chưa biết phim như thế nào, có hay không, nhưng người ta đã muốn đi xem phim vì cảm mến cái tâm và cái tầm của đoàn phim nói chung và của đạo diễn Lý Hải nói riêng.

Giờ thì chắc không cần nói nhiều hơn bạn cũng đã nhận ra chuyện chiếu phim free để tri ân bà con đã hỗ trợ khi đoàn phim đến quay, và những câu chuyện bên lề khác trong quá trình làm phim… đều là những chất liệu truyền thông há.

Dù biết là chất liệu truyền thông, nhưng có chất liệu truyền thông tốt, mang đến những thông điệp tích cực cho cộng đồng thì cũng là tuyệt lắm rồi, vẫn có tình cảm với phim, vẫn thả like thả tim và ủng hộ cho phim thôi.

Trở lại chuyện chuyên môn. Tóm lại, nếu bạn muốn tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ cho các hoạt động truyền thông tiếp thị hay các hoạt động tiếp thị nội dung của mình thì hãy nhớ đến yếu tố chất liệu truyền thông và chọn cho ra những chất liệu truyền thông thật “đắt giá” nhé.

Võ Ngọc Đông Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *