Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta cần sử dụng rất nhiều từ ngữ để mô tả điều muốn nói. Dần dần, chúng ta nâng tầm những từ ngữ thường dùng thành những khái niệm mỹ miều. Khi đã trở thành khái niệm thì chúng lại được định nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh khác nhau. Khi đã trở thành khái niệm thì chúng trở nên trừu tượng hơn, khó nắm bắt hơn.
Khi một người muốn truyền đạt điều gì đó mà sử dụng một khái niệm để diễn tả, người tiếp nhận căn cứ vào ngữ cảnh đang nói để suy ra người nói muốn diễn đạt khái niệm đó với nghĩa cụ thể là gì. Trường hợp suy diễn sai là chuyện “thường ngày ở huyện”. Chúng ta vô tình làm cho điều muốn nói trở nên không rõ ràng chỉ vì thích sử dụng khái niệm “cho nó hay”, “cho nó sang”.
Ví dụ như,
Thời Gian là một khái niệm. Nếu muốn làm thời gian trở nên rõ ràng, hãy cụ thể hóa thời gian bằng cách dùng những thông tin “ngày”, “tháng”, “năm” cụ thể. “Chuyện này mất thời gian lắm”, mất thời gian là mất bao lâu???
Vận Mệnh cũng là một khái niệm chung. Nếu muốn diễn tả rõ một trạng thái nhất định nằm trong chuỗi vận mệnh đó thì hãy dùng những từ cụ thể như “Thành đạt“, “Lận đận” hay “Thất bại“.
Duyên Phận cũng là khái niệm. Khi người ta thích một ai đó thì nói có duyên phận với người đó, đến lúc không còn thấy thích nữa thì cũng vẫn dùng từ duyên phận, nhưng mà là “hết duyên hết phận”.
Tình Yêu cũng là một khái niệm. Không ai biết tình yêu cụ thể là như thế nào. Người ta chỉ cảm nhận sự hiện diện của cái gọi là tình yêu. Có điều, khái niệm tình yêu thì vô hình, nhưng những quan điểm để đánh giá tình yêu thì lại có những tiêu chuẩn, những con số được vật chất hoá ra rất cụ thể.
Tình yêu là một khái niệm rất đẹp dành cho những ai tuổi mười bảy đôi mươi, thích cười, thích khóc vu vơ và sẵn sàng dành thời gian và công sức để làm những món quà không đầu, không đuôi tặng nhau. Chỉ cần nhìn thấy người ấy vui là được. Khi hơn 20 tuổi, tình yêu trở nên thực tế hơn với một số điều kiện đi kèm để đảm bảo cho cuộc sống sau khi lập gia đình. Đến năm 30, 40 tuổi, tình yêu bắt đầu trở nên xa xôi và kém quan trọng hơn nhiều so với một bảng danh sách những tiêu chuẩn về địa vị, tài sản, sự thành đạt…
Sự Hồn Nhiên cũng là một khái niệm phức tạp. Người ta không phải lúc nào cũng có thể hồn nhiên giải thích được nghĩa của nó rõ ràng như cụm từ mà người ta dùng để gọi nó. Hồn nhiên đối với một số người nghĩa là “dễ thương” “vô tư”, đối với một số người lại có nghĩa là “ngây thơ”, thấp hơn nghĩa là “không biết gì”, tiếp tục thấp hơn nghĩa là “khờ dại”, và tiếp tục hạ xuống càng ngày càng thấp chất xám trong khái niệm này. Khi nghe ai đó khen “ngây thơ”, “vô tư”, “hồn nhiên”, thì phải nhìn vào thang giá trị của người đó xem những từ này nằm ở bậc nào, hay đã được trộn vào đất với sét từ lâu rồi.
Chuyện khái niệm cũng từ số đông mà hình thành, chúng được gieo hạt và nẩy mầm trong mỗi con người trong xã hội. Đầu tiên từ chuyện lên giảng đường lấy tập ra viết lấy viết để những định nghĩa được các thầy cô đọc ro ro cho ghi lại, rồi về nhà cứ thế lấy ra học cho thuộc rồi xài. Tiếp đến được nghe râm ran, rả rít từ người thân cho đến bạn bè. Duyên số là có thật, tình yêu là có thật, thời gian mãi mãi tồn tại, nhưng có phải chúng có ý nghĩa như ta đang nghĩ hay không thì cần xem lại.
Những khái niệm còn là công cụ giao tiếp mang tính cứu cánh lý tưởng của con người. Không ai thấy được, không ai chạm vào được, nhưng nó hiện hữu và có vai trò ảnh hưởng không nhỏ đến việc giao tiếp bằng ngôn ngữ. Những khái niệm có thể được dùng để gửi gắm, để kì vọng, để yêu thương, nhưng cũng có thể được dùng để giải thích, thanh minh, biện hộ, đổ thừa, đổ lỗi, nói xấu.
Người sử dụng khái niệm làm cứu cánh thường có suy nghĩ, thấy người ta dùng từ như vậy nên mình cũng dùng từ như vậy. Nếu người nghe thấy mơ hồ hay hiểu lầm thì đó không phải lỗi của mình.
Các khái niệm, các cụm từ, các cách diễn đạt cầu kì phức tạp, có thể là cái bẫy ngôn từ chằng chịt cuốn tâm trí của người nghe đi theo những dụng ý của người nói.
Yêu hóa ra rất đơn giản. Chỉ cần nhìn thấy ánh mắt ấy là đã ấm lòng. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười ấy là mỗi ngày đều trở nên thật ý nghĩa.
Thành bại, thăng trầm có là gì khi ta sống cân bằng từ trong nội tâm, để hiểu tất cả chỉ là một giai đoạn của cuộc sống.
Đời sống con người là một kết quả của nhiều biến số kết hợp chồng chéo phức tạp với nhau. Ví dụ cô này dễ thương nhưng kỹ tính, ít giao du… Anh kia năng động, ăn nói hay nhưng thích tán gái xinh… Bà kia đảm đang nhưng nói nhiều, hay thích hóng chuyện của người khác…
Các khái niệm cũng vậy !…
Mỗi người sẽ hiểu các khái niệm theo cách riêng của mình, tùy thuộc vào học thức, hiểu biết, trải nghiệm, chuẩn mực giá trị cá nhân… Cho nên đừng cố gắng định nghĩa những khái niệm chung chung, hoặc nhanh chóng vội vàng đồng ý với định nghĩa của người khác.
Nếu bạn là người nói, hãy tìm cho mình những từ ngữ cụ thể, diễn đạt chính xác những điều mình đang muốn nói để giúp người nghe dễ dàng nắm bắt được, hiểu được ý của mình.
Nếu bạn là người nghe, hãy lắng nghe, hãy cảm nhận người nói sâu sắc hơn, thay vì vội vàng chuyển ngay những điều họ nói thành một ý nghĩa nào đó theo góc nhìn cá nhận của bạn. Hãy lắng lòng hơn để nhìn thấu ý nghĩa đằng sau những khái niệm mà người nói đang dùng để nói với bạn.
Đến cuối cùng, đã là khái niệm thì không cần định nghĩa… mà cần được thấu cảm.
Võ Ngọc Đông Phương
——————
Bạn cũng muốn đọc:
Chương Trình “Trà Sữa Buổi Sáng” Là Gì?
Muốn Có Nhiều Hơn, Hãy Biết Ơn Nhiều Hơn
I was extremely pleased to find this page. I wanted to thank you for your time for this particularly fantastic read!! I definitely enjoyed every bit of it and I have you saved to fav to look at new stuff on your site.