Thật Ra, Tình Yêu Là Không Có Thật

Thật ra, tình yêu là không có thật
Bàn về tình yêu nhân ngày tình yêu

Ngay ngày tình yêu 14.2 nhưng tôi lại muốn thuyết phục bạn rằng, thật ra tình yêu là không có thật.

Bởi vì đã có quá nhiều người đã thề sống chết đòi yêu nhau, đòi ở bên nhau cho bằng được, nhưng đến cuối cùng lại chia tay đường ai nấy đi.

Bởi vì trên đời này không tồn tại cái gọi là tình yêu khơi khơi

Có phải là tình yêu thật không?

Thấy yêu thích một ai đó liền vội vàng cho đó là tình yêu. Rồi thêu dệt ra đủ thứ lãng mạn, rồi thổ lộ với người ta, rồi hứa hẹn trăng sao gió mây không thiếu thứ gì, để người ta thấy cảm động mà gật đầu đáp lại.

Cái thuở ban đầu khi theo đuổi nhau mới đẹp làm sao. Để rồi đến khi được đáp lại, đến khi đã yêu và được yêu, thì lại cảm thấy mối quan hệ này bắt đầu trở nên phiền phức, rồi dần dần thấy ngột ngạt, thấy bị trói buộc, bắt đầu thèm muốn có không gian riêng.

Có những cặp đôi chọn cách tiếp tục miễn cưỡng chịu đựng nhau.

Cũng có những cặp đôi quyết định chia tay với lý do không hợp nhau, hoặc là nói mình không xứng đáng với người kia.

Nếu không hợp nhau, từ ban đầu đã thấy không hợp chứ đâu đợi đến bây giờ mới thấy. Nếu nói không xứng đáng, sao từ ban đầu lại cố công theo đuổi người ta làm gì.

Những lý do chia tay chỉ là lý do. Khi đã muốn chấm dứt một mối quan hệ thì lý do nào mà chẳng hợp lý.

Theo tôi, lý do chia tay chỉ có 2, hoặc là do họ đã hoàn toàn hết yêu, hoặc là do ngay từ ban đầu họ đã không yêu thật sự, mà chỉ yêu khơi khơi, yêu hời hợt.

Người có tình yêu thật sự sẽ quan tâm đến sự hòa hợp với người mình yêu.

Họ sẽ tìm hiểu xem người mình yêu có thói quen gì, sở thích gì, quan điểm gì, giá trị sống gì… có tương đồng với mình hay không? Nếu không tương đồng, liệu mình có sẵn sàng vì người mình yêu mà chấp nhập sự khác nhau này về lâu về dài hay không? Và người mình yêu có chấp nhận ngược lại hay không?

Thể hiện tình yêu bằng lời nói thì dễ. Thể hiện tình yêu bằng hành động qua năm dài tháng rộng ở bên nhau mới khó. Mà thật ra cũng không khó lắm với những ai yêu bằng tình yêu đích thực. Còn yêu khơi khơi, yêu chỉ để thỏa mãn bản thân thì đúng là nặng nề thật.

Tình yêu chỉ là ngụy biện nếu đó là tình yêu vô trách nhiệm, không nghĩ đến cuộc sống tương lai của cả hai.

Những ngộ nhận

Nói đến tình yêu thì thật là muôn hình vạn trạng. Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu định nghĩa, bao nhiêu triết lý về tình yêu nhưng vẫn chưa bao giờ là đủ.

Nếu bất chợt hỏi một bạn trẻ “Tình yêu là gì?”, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời rất khác nhau. Nhưng chung quy lại thì các bạn trẻ vẫn nhìn nhận tình yêu là những gì đó thật ngọt ngào, lãng mạn.

Chẳng những thế, tình yêu còn được liên tục đưa vào văn học, thơ ca, phim ảnh, làm cho hình ảnh của tình yêu trong mắt công chúng càng thêm đẹp, thêm xinh, nên mới gây ra không biết bao nhiêu ngộ nhận.

Ngộ nhận làm cho người ta thấy thất vọng, thấy đau khổ, thậm chí không còn tin vào tình yêu.

Thời còn trẻ, tôi cũng cực kì mê mẩn thiên tình sử của Romeo và Juliet. Tôi thích cái khái niệm tình yêu sét đánh, mới gặp đã yêu, yêu mãnh liệt, yêu cuồng nhiệt, thế giới dường như không còn tồn tại mà chỉ có đôi ta, thề nguyền chung thủy cùng nhau, nếu kiếp này không đến được với nhau thì cũng chết cùng nhau để được ở bên nhau.

Càng nhiều tuổi hơn, tôi càng thấy câu chuyện tình yêu mà cả nhân loại đều ca ngợi ấy có phần nguy hiểm, có thể ảnh hưởng lệch lạc đến nhận thức yêu của người trẻ tuổi, khiến họ thần thánh hóa tình yêu, tôn sùng sự chung thủy trong tình yêu một cách mù quáng.

Thử nghĩ xem, nếu ai bị cấm cản trong tình yêu cũng lấy cái chết ra để chứng minh là mình yêu dữ lắm, hoặc nếu 1 trong 2 người thấy không thể tiếp tục yêu được nữa và đề nghị chia tay, người kia không cam tâm giết luôn người yêu rồi tự tử để mãi mãi người đó phải thuộc về mình. Liệu đó có phải là ý nghĩa thật sự của tình yêu?

Tại sao Romeo và Juliet không chọn cách cùng nhau vượt qua sự ngăn cấm, mạnh mẽ đấu tranh để được sống bên nhau, mà phải chọn cái chết, một lựa chọn thật nhu nhược yếu đuối, thể hiện rõ sự bất lực của bản thân. Đến tình yêu của mình cũng không có khả năng bảo vệ thì làm sao gọi là yêu.

Và đặt ra trường hợp nếu Romeo và Juliet vừa gặp nhau đã thuận lợi đến với nhau mà không gặp cản trở nào, liệu cái tình yêu sét đánh mãnh liệt ban đầu đó có giúp họ hòa hợp ở bên nhau đến răng long đầu bạc không? Liệu cái tình yêu mà họ thề thốt với nhau là mãi mãi đó có nhạt đi theo thời gian không, khi mà hai con người đã qua giai đoạn mộng mơ và thổn thức? Tôi nghi ngờ điều đó.

Yêu nhau có nhất thiết phải ở bên nhau trọn đời trọn kiếp?

Có một câu chuyện rằng, có 2 vợ chồng nọ đi trên một chuyến tàu, và chẳng may tàu bị đắm. Trong 2 vợ chồng chỉ có thể cứu được một người. Người chồng đã bỏ lại vợ mình để trở về đất liền.

Ai cũng chê bai người chồng tham sống sợ chết, bỏ lại vợ mình thoát thân một mình. Mọi người lấy chuyện chàng Jack với nàng Rose trong Titanic ra để so sánh. Càng nghĩ càng thấy khinh miệt người chồng kia. Họ cho rằng, trên đời chỉ có người dám hi sinh cả mạng sống vì ta mới là người yêu ta thật lòng.

Nhưng sự thật là người vợ đó đang bị bệnh nan y, cũng không thể sống lâu được, nên đã bảo người chồng nhất định phải sống để chăm sóc nuôi dạy những đứa con của họ. Người chồng đã gạt nước mắt bỏ đi, vì anh biết giờ đây anh phải bảo vệ mạng sống của mình, anh phải sống vì những đứa con cần anh.

Yêu không phải là hi sinh mạng sống của mình để chứng minh nó là thứ tình cảm đích thực. Yêu cũng không cần phải bên nhau trọn đời. Mà đôi khi, theo hoàn cảnh thực tế, yêu là chọn trách nhiệm, là hướng đến tương lai nào đó tốt đẹp nhất cho cả hai.

Đừng quyết định yêu chỉ vì những lý do đẹp nhất thời.

Thay vào đó, hãy yêu bằng một tình yêu đích thực. Vì nhau mà sống tốt lên, vì nhau mà nhẫn nại, bao dung với khuyết điểm của nhau, cùng vượt qua những khó khăn thử thách trên đường đời, để những khi mệt mỏi chỉ cần nghĩ đến nhau cũng cảm thấy bình yên, an lòng mà bước tiếp.

Tình yêu cần có sự cố gắng, sự xây đắp của cả hai. Nếu chỉ có một phía nổ lực thì tình yêu đó cũng không thể vững bền.

Đừng nghĩ khi người ta chấp nhận lời tỏ tình của mình, hoặc khi người ta đồng ý lấy mình, ấy là bạn đã đi đến đoạn cuối ngọt ngào của tình yêu. Thật ra, lúc đó mới chính là khởi đầu của tình yêu. Nếu không được nuôi dưỡng, tình yêu nào rồi cũng lụi tàn, cho dù cái thưở ban đầu có đẹp đẽ đến mấy.

Gần nhà tôi có 2 vợ chồng bác hàng xóm, tuổi lớn hơn ba mẹ tôi, nhưng sống với nhau rất hạnh phúc. Hai bác vẫn gọi nhau rất ngọt ngào “anh anh em em”. 2 bác làm gì cũng hỏi ý kiến nhau. Nhìn cách bác trai chăm sóc lúc bác gái bị bệnh, nó đẹp hơn rất nhiều so với những câu chuyện tình tiểu thuyết lãng mạn.

Bác gái nói, 2 bác cũng chẳng có bí quyết hạnh phúc gì đâu, chỉ là luôn tôn trọng nhau và không để người kia phải gách vác một mình.

Cuộc sống luôn có nhiều chuyện để lo nghĩ. Nếu chỉ lo nghĩ 1 mình, gánh vác trách nhiệm 1 mình, nào là cơm áo gạo tiền, nào là nhà cửa, con cái, gia đình 2 bên… đến lúc nào đó cũng thấy mệt mỏi mà trở nên vô tâm ngay chính trong ngôi nhà của mình. Cuộc sống gia đình cần lắm sự cảm thông, san sẻ cho nhau. Nhờ có chất keo gắn kết này mà 2 bác hàng xóm đã sống cùng nhau thật hạnh phúc đến mấy chục năm nay.

Hãy xây dựng một tình yêu mà đến mấy chục năm sau, bạn vẫn còn tự tin dõng dạc tuyên bố “Cuộc đời này, điều may mắn nhất chính là gặp được anh ấy/cô ấy”. 

Đừng nắm tay nhau đi đến cuối đời, vì nắm tay nhau, cả 2 đều mau mệt mỏi mà dễ buông tay.

Anh hãy nắm lấy tay em, hãy dắt em đi.

Và, nếu thấy mệt, hãy nói cho em biết, để em lại nắm lấy tay anh.

Cứ thay phiên nhau như thế, chúng ta sẽ không mệt mỏi khi đi cùng nhau, cả một đời.

THẬT RA, TÌNH YÊU LÀ KHÔNG CÓ THẬT. CHỈ CÓ TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC LÀ CÓ THẬT.

Võ Ngọc Đông Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *