Những chuyến đi công tác Hà Nội liên tục và dài ngày đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, nhất là việc nhận ra những khác biệt trong tâm lý của người miền Bắc và người miền Nam. Một chủ đề hay mà tôi muốn share cho mọi người. Bởi vì hiểu tâm lý vùng miền sẽ giúp ích rất nhiều trong các hoạt động Marketing địa phương.
Cùng 1 chiến dịch Marketing, có cùng nội dung, cùng thông điệp, cùng các hoạt động, nhưng khi triển khai ở Sài Gòn và Hà Nội lại có kết quả khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là do khác biệt tâm lý vùng miền dẫn đến phản ứng khác nhau, quyết định mua hàng khác nhau. Do đó, nếu bạn muốn triển khai Marketing đồng bộ trên nhiều tỉnh thành, bạn cần lưu ý thêm yếu tố tâm lý vùng miền mà có hoạt động cụ thể phù hợp.
Ở Sài Gòn, do đặc tính là vùng đất giàu sức trẻ, văn hóa mở, không quá đặt nặng văn hóa truyền thống nên người Sài Gòn hướng ngoại, cởi mở, thẳng thắn, thích tìm kiếm cái mới, trọng người có tài thật sự, không quá quan trọng bằng cấp, học vị. Người Sài Gòn hào sảng, thích kết giao, thích tiệc tùng chiêu đãi, có tính cá nhân cao, thích làm gì thì quyết định làm rất nhanh, ít khi suy nghĩ cân nhắc quá lâu.
Trong khi đó, Hà Nội là cái nôi văn hóa truyền thống, nên người miền Bắc đa phần có đặc tính tinh tế, sâu sắc hơn người ở các vùng miền khác. Họ thường tế nhị, muốn nói điều gì thường không nói thẳng mà hay có lối nói vòng để người khác tự hiểu. Họ coi trọng việc ăn học và học vị. Ngoài ra họ có sự bảo thủ nhất định, rất coi trọng ý kiến của cộng đồng, gia đình. Họ muốn làm gì cũng thường không tự quyết định, mà hay hỏi ý kiến người khác để cảm thấy yên tâm. Người Hà Nội không sống cho cá nhân, họ có tính tập thể cao hơn người Sài Gòn.
✨ Khi quen một người bạn mới:
Người Sài Gòn sẽ niềm nở kết giao với nhau rất nhanh. Do đó, người Sài Gòn sẽ vượt xa người Hà Nội về số lượng bạn bè. Tuy nhiên, về chiều sâu với một mối quan hệ, người Hà Nội lại có phần nhỉnh hơn người Sài Gòn.
Người Hà Nội thận trọng ở giai đoạn đầu mới kết giao. Họ cần có thời gian để xem xét, đánh giá xem người bạn này có đáng tin không. Nếu họ đã thấy tin tưởng, họ không những kết giao mà còn kết thân.
✨ Về việc tiếp thu cái mới:
Theo kết quả khảo sát thị trường của AC Nielsen: Tại HCM, cứ 5 người thì có 1 người sẵn sàng tiếp nhận cái mới, trong khi đó ở Hà Nội tỷ lệ này là 1 trên 10. Con số này đã tự nói lên người Sài Gòn thích tiếp thu cái mới hơn người Hà Nội.
✨ Những đặc tính tâm lý vùng miền này có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của họ.
Với người Sài Gòn, họ có thể tham khảo ý kiến của người khác, nhưng cuối cùng chính họ sẽ mua cái gì họ thích mua, hoặc họ nghĩ là cần thiết cho họ. Người Sài Gòn chỉ lưu tâm đến những gì người khác nói nếu đó là những điều mà họ đang muốn nghe. Do đó, khi kêu gọi người Sài Gòn mua sắm, bạn hãy đề cao lợi ích cá nhân và tập trung vào những sở thích, mối quan tâm hiện có của họ. Người Sài Gòn ít khi trung thành với 1 sản phẩm. Họ luôn thích khám phá cái mới hơn xem có tốt hơn cái họ đang dùng hay không. Để giữ được khách hàng trung thành là người Sài Gòn, bạn sẽ phải tốn nhiều công sức hơn.
Với người Hà Nội, họ có xu hướng lắng nghe và làm theo theo lời khuyên của người khác liên quan đến các quyết định mua sắm. Ý kiến của người khác khá quan trọng đối với họ. Nếu những người họ quen biết cho ý kiến không tốt về một sản phẩm, họ sẽ quyết định không mua sản phẩm đó, và ngược lại. Vì thế, nếu một sản phẩm đã có được lòng tin của 1 người Hà Nội, sản phẩm đó sẽ dễ dàng được 1 nhóm nhiều người khác nhanh chóng đón nhận hơn. Ngoài ra, khi đã thích 1 sản phẩm, người Hà Nội có xu hướng sử dụng thường xuyên và trung thành hơn người Sài Gòn. Khi Marketing cho người Hà Nội, bạn nên đề cao giá trị gia đình, cộng đồng, niềm tự hào vùng miền, những yếu tố mang đến cho họ cảm giác an toàn, ổn định, lâu dài. Ngoài ra, cần phải có chương trình chăm sóc khách hàng trung thành dành cho họ, bởi họ sẽ là những khách hàng cực kì thân thiết của bạn.
Tóm lại, thấu hiểu đặc tính tâm lý vùng miền sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo ra các chiến dịch Marketing phù hợp.
THẤU HIỂU KHÁCH HÀNG LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ TẠO SỰ KHÁC BIỆT.
Võ Ngọc Đông Phương