“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” – Một câu nói quá nổi tiếng và quen thuộc, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa có hồi kết. Một câu nói luôn có một phe đồng tình, trong khi phe còn lại thì không.
Người thì cho rằng câu nói chứa đựng thông điệp tích cực, giúp họ có động lực mạnh mẽ hơn để nỗ lực, để đạt mục tiêu. Những người thuộc phe ủng hộ cho rằng đam mê là một yếu tố quan trọng để đi đến thành công, bởi vì khi ta đam mê điều gì đó, ta sẽ hành động quyết liệt hơn, bền bỉ hơn.
Người thì lại cho rằng nếu chỉ mù quáng theo đuổi đam mê mà không có năng lực, không có bản lĩnh, không biết khả năng mình tới đâu thì làm sao mà thành công cho được.
Bạn biết không, sở dĩ có tranh cãi là do mọi người đang nhìn từ “đam mê” ở các góc độ khác nhau với ý nghĩa nằm trên bề mặt con chữ. Gần đây, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của mình đối với từ “đam mê” khi có dịp tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa gốc của từ này trong tiếng Anh.
Hóa ra trước giờ chúng ta đã nghĩ về “passion” không như cái ý nghĩa mà nó chính là.
Từ “passion” xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 12 với nghĩa gốc là suffer (chịu đựng).
Nó mô tả sự sẵn sàng chịu đựng, tự nguyện chịu đựng, chịu đựng vì một trách nhiệm nào đó, vì một mục đích nào đó. Ngoài ra, còn là sẵn sàng trả giá, chấp nhận chịu đựng vì những gì mình yêu thương, mình muốn bảo vệ.
Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về mối liên kết ý nghĩa giữa “đam mê”, “sứ mệnh” và “lòng trắc ẩn” nhé.
“Passion” & “Mission”:
Khi bạn tìm ra được những điều mà bạn sẵn sàng trả giá, sẵn sàng chịu đựng để đạt được (passion) cũng chính là lúc bạn nhận ra được sứ mệnh của mình (mission).
“Passion” & “Compassion”:
Chúng ta dễ dàng nhận ra “compassion” là từ được kết hợp giữa “com” (có nghĩa là cùng với) và “passion” (có nghĩa là chịu đựng). Vậy cho nên “compassion”, lòng trắc ẩn, được giải thích cụ thể chính là sự chịu đựng cùng với người khác.
Nhiều người quyết định làm một việc gì đó vì đam mê. Mà đam mê này thường được mọi người nghĩ theo ý nghĩa là cái mà họ yêu thích, cái mà họ có thể vui vẻ thoải mái làm mỗi ngày mà không thấy chán, hoặc cái mà họ có thể làm tốt và được mọi người đánh giá cao.
Nhưng nếu chúng ta nhìn “passion” không chỉ như vậy, mà còn là trạng thái sẵn sàng trả giá, chấp nhận chịu đựng để có được điều mong muốn, thì ý nghĩa đó trở nên cao đẹp hơn và sâu sắc hơn rất nhiều.
Quyết định bắt đầu một việc gì đó vì đam mê.
Bắt đầu luôn là phần dễ dàng nhất. Kết thúc mới là phần khó khăn.
Nhưng chính phần kết thúc mới xác định ai là người có niềm đam mê thật sự.
Người có “passion” sẽ bắt tay vào làm, chấp nhận trả giá, chấp nhận chịu đựng, nỗ lực phát triển bản thân, nỗ lực học hỏi nâng cao năng lực vì mục tiêu cần đạt được. Còn người không có “passion” sẽ chỉ “làm thử” và không hề có ý định chịu đựng đến cùng.
Bạn đã thấy yêu từ “đam mê” hơn chưa?
Võ Ngọc Đông Phương