Khi Cả Nước Thay Đổi Địa Giới Hành Chính – Cả Bầu Trời Ký Ức Từ Những Cái Tên

Khi cả nước thay đổi địa giới hành chính - Cả bầu trời ký ức từ những cái tên
Cả bầu trời ký ức từ những cái tên

Vậy là bắt đầu từ đầu tháng 7 năm nay, khi cả nước bắt đầu áp dụng việc thay đổi địa giới hành chính, vô số cái tên đã gắn liền với ký ức một thời của tôi, của bạn, của chúng ta, đã trở thành quá khứ, nhường chỗ cho một công cuộc thay đổi quy mô lớn.

Trên bản đồ hành chính thì những cái tên cũng chỉ là những cái tên, nhưng đối với tôi, và chắc có lẽ cũng là đối với rất nhiều người đã từng gắn bó rất lâu, rất sâu với một nơi nào đó hơn nửa đời người, thì có những cái tên đã là một phần trong cuộc sống. Những nơi thân thuộc đến nỗi nhắm mắt lại cũng nhìn thấy rõ. Những nơi đã từng là tuổi thơ, là thanh xuân, là những kỉ niệm đẹp lẫn mặn đắng trong đời…

Đã biết là sẽ có thay đổi, nhưng khi thay đổi diễn ra, khi nhìn vào tấm bản đồ mới, tôi vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ xen lẫn tiếc nuối dâng lên trong lòng.

Tuổi thơ ở thế hệ của chúng tôi là những ngày nắng bày đủ thứ trò để chơi cùng nhau trong những con hẻm nhỏ, là những ngày mưa nghịch nước cùng nhau dưới những cơn mưa đầu mùa. Là cái thời có thể ngồi cuộn tròn trong góc nhà mình hay nhà đứa bạn hàng xóm đọc đi đọc một cuốn truyện đến mười mấy lần vẫn thấy hay. Là cái thời mà nhà nào có được cái tivi trắng đen là tối tối sẽ có cả đám con nít trong xóm tập trung lại chờ coi ké “Những bông hoa nhỏ”.

Thế hệ của chúng tôi lớn lên trong những năm tháng chưa có internet, và mạng xã hội còn chưa được đặt tên.

Trong lớp, chúng tôi xé từng mảnh giấy nho nhỏ để “truyền tin” cho nhau. Ngoài giờ học mà có chuyện cần nói, hoặc là muốn rủ đi chơi, chúng tôi đến tận nhà nhau í ới. Còn để giữ liên lạc với bạn bè không học chung trường chung lớp nữa, chúng tôi sẽ viết thư tay rồi ra bưu điện gửi đi.

Tôi nhớ đã giữ liên lạc với một người bạn thân hồi cấp 1 theo cách này cho đến tận khi chúng tôi đủ lớn để có thể tự chạy đến gặp nhau. Mặc dù khoảng cách từ nhà tôi tới nhà bạn ngày đó chỉ là từ quận 1 tới quận Bình Thạnh, nhưng đối với những đứa trẻ mà nói, khoảng cách đó là cả một quãng đường rất xa xôi. Tôi đã viết tên quận Bình Thạnh không biết bao nhiêu lần lên những lá thư gửi cho bạn, trước khi tôi thật sự đặt chân đến quận Bình Thạnh.

Tôi nhớ năm lớp 7 có lần đi lạc tập thể với mấy đứa bạn cùng lớp đến tận đầu bên kia của thành phố, trong khi ý muốn ban đầu của cả đám chỉ là “đạp xe đi dạo một vòng rồi về”.

Tôi nhớ mấy quán ăn, quán nước núp hẻm ở gần trường, những địa điểm tập kết lý tưởng của chúng tôi giờ tan học.

Và còn rất nhiều nơi từng là cột mốc cho những câu chuyện ngày xưa…

Thời đó, chúng tôi lưu giữ kỷ niệm bằng những quyển nhật ký viết tay dày đặc chữ, và những bức ảnh được rửa ra từ máy chụp hình chụp bằng phim. Không có Google Photos, không có Drive.

Mọi thứ thay đổi quá nhanh, như thể thời gian của tuổi trẻ chỉ cần chớp mắt là đã qua.

Thế hệ của chúng tôi bắt đầu biết tới Internet đời đầu và Yahoo chat, Yahoo 360 ở năm cuối đại học. Rồi mọi thứ khác ập đến ngày càng nhanh hơn, Facebook, rồi Google, Youtube, Zalo, Instagram…, rồi Tik Tok…, rồi giờ là thời đại bùng nổ AI…

Cả một chặng đường dài cứ thế trôi qua, cùng với nhiều thay đổi rất-mới luôn đi kèm với những hoài niệm rất-cũ.

Có những cái tên đã gắn bó suốt cả một thời trong câu chuyện của mỗi cá nhân, có những cái tên còn được đưa vào trong truyện tản văn của các tác giả trẻ mang hơi hướng thời đại mới, và có những cái tên còn tạo dấu ấn gần gũi quen thuộc khi xuất hiện trong các câu chuyện thương hiệu dành cho đại chúng, giờ đây bỗng dưng đều không còn nữa…

Tôi nghĩ, chắc không chỉ riêng mình tôi cảm thấy hoài niệm. Khi mà mọi thứ xung quanh thay đổi quá nhanh, ai rồi cũng sẽ có lúc giật mình muốn quay đầu nhìn lại, không phải vì sợ lạc đường, mà vì sợ lạc mất chính mình.

“Thời gian đã xóa mờ hết mọi thứ,
Thế nhưng kỷ niệm thì vẫn còn đây,
Giữ bên trong mình một phần quá khứ,
Bởi em nào đâu muốn quên…”

Một câu từ một bài hát đang trending chợt vang lên bên tai tôi, tự nhiên bị “chạm” và “thông” ngay và luôn một cách thật… “ngang ngược”.

Đúng rồi, địa chỉ có thể thay đổi, nhưng quán cà phê cũ nơi ta từng hẹn, con hẻm nhỏ ta từng đi qua, khu nhà ta từng ngồi làm việc để xây lên chiến lược nội dung đầu tiên cho một thương hiệu khởi nghiệp… tất cả vẫn còn đó ở trong tâm trí.

Ký ức không cần phải có bản đồ. Nó vẫn ở đó, chỉ cần có người vẫn còn nhớ đến.

Cũng giống như bất kỳ nội dung nào được tạo ra, cho dù hình thức nội dung có thay đổi thế nào thì “thông điệp chính cần truyền tải” mới là phần cốt lõi còn đọng lại trong lòng người xem.

Từ giờ, khi bản đồ hành chính đã được cập nhật theo cái mới, nếu bạn không còn tìm thấy một cái tên quen thuộc nào đó trên bản đồ nữa thì cũng đừng buồn. Cái tên đó luôn có một địa chỉ ở bên trong mỗi chúng ta.

Hãy để trái tim dẫn lối để chúng ta đi đến đúng nơi đã từng bắt đầu…

Võ Ngọc Đông Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *