Chào mừng các bạn đến với “Dạo chơi cùng ngôn từ”. Đây là series các bài viết mà tôi dự định sẽ viết về những con chữ hay, đẹp, lạ trong tiếng Việt, những ngẫu hứng bẻ từ chơi chữ đầy thú vị. Mong rằng series này sẽ mang đến cho các bạn nguồn cảm hứng không ngừng với sáng tạo nội dung bằng ngôn từ.
Hãy nhìn việc sử dụng ngôn từ như một trò chơi, nếu bạn có thể nhào nặn lắp ráp sắp đặt chúng theo bất cứ cách nào mà bạn muốn thì bạn sẽ thấy chuyện viết lách trở nên thật thú vị và đầy hứng khởi.
Mở rộng vốn ngôn từ là điều vô cùng cần thiết đối với những ai đang “hành nghề” viết lách, đối với các Copywriter, Content Writer. Nếu bạn muốn có những bài viết sâu để chinh phục người xem, chinh phục khách hàng thì cần có khả năng điều khiển ngôn từ, làm chủ ngôn từ trong mọi tình huống.
Khi bạn có vốn ngôn từ phong phú, bạn sẽ viết vô cùng nhẹ nhàng nhiều thể loại nội dung khác nhau. Đặc biệt với các nội dung bán hàng cần đạt hiệu quả kêu gọi hành động cao thì càng cần phải biết nhiều ngôn từ để có thể diễn đạt nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau trong từng ngữ cảnh khác nhau. Khách hàng càng cao cấp càng đòi hỏi những nội dung Marketing dành cho họ phải có giá trị cả về mặt nội dung lẫn ngôn từ được sử dụng.
Bạn Hoàng Mai, một thành viên đang sinh hoạt trong cộng đồng Group Content Marketing Masters, đã dùng 2 từ “thiên lương” để nhận xét về khuôn mặt của tôi. Bản thân tôi không dám nhận 2 từ “thiên lương”, nhưng tôi thấy từ này hay quá, thế là nảy ra luôn ý định muốn viết về các con chữ. Và “Dạo chơi cùng ngôn từ” đã ra đời. Cám ơn bạn đã cho tôi cảm hứng để viết series này.
Trong bài đầu tiên của loạt bài này, tôi cùng bạn dạo chơi với từ “thiên lương” nhé.
“Thiên lương” được hiểu là phần tốt đẹp sẵn có trong mỗi con người do trời ban tặng.
Có ít nhất 3 thành tố ý nghĩa hợp lại để trọn vẹn ý nghĩa của từ “thiên lương”:
1. Lương tri: phần tri giác để biết cảm nhận, lĩnh hội các sự vật, hiện tượng (BIẾT).
2. Lương tâm: phần tâm thức tiếp nhận và thấu hiểu các sự vật, hiện tượng xung quanh (HIỂU).
3. Lương năng: phần năng lực thực hiện việc nào đó, tác động lên các sự vật, hiện tượng để biến đổi chúng (LÀM).
Ba thành tố này nếu hiện hữu cùng nhau và điều hòa với nhau sẽ có một thiên lương toàn vẹn.
Cho nên thiên lương là đỉnh cao của BIẾT, HIỂU, LÀM theo hướng thiện, hướng phát triển tích cực ngày càng tốt hơn lên. Người nào có được thiên lương vẹn tròn thì người đó luôn có phúc phần trong cuộc đời này.
Từ “thiên lương” thật ý nghĩa, phải không các bạn?
Nếu bắt đầu cảm thấy thích “Dạo chơi cùng ngôn từ” rồi thì các bạn nhớ đón xem những cuộc dạo chơi tiếp theo nhé.
Võ Ngọc Đông Phương