Hồi tháng trước, có bạn nói với tôi, bạn muốn đăng ký tham gia chương trình coach Startup.Me. Bạn cam kết sẽ cố gắng nỗ lực 100% hết sức mình để xây kênh thành công, vì bạn muốn có thêm một nguồn thu nhập khác ngoài thu nhập hiện tại.
Tôi có hỏi, bạn dự định sẽ “nỗ lực 100% hết sức mình” trong bao lâu?
Bạn trả lời, bạn nghĩ bạn sẽ nỗ lực 100% cho đến khi xây kênh thành công, cho đến khi tạo ra được thu nhập, sau đó thì bạn có thể không cần phải nỗ lực nhiều như thế nữa.
Suy nghĩ của bạn làm tôi nhớ đến một vài câu chuyện sau:
Câu chuyện nỗ lực đầu tiên.
Đó là câu chuyện của chính tôi cách đây rất nhiều năm về trước.
Ngày đó, tôi có tập tành nhập một số sản phẩm thực phẩm chức năng về bán.
Ngày tết tây, thay vì đón năm mới cùng gia đình, thay vì dành chút thời gian cho bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn, tôi lại tham gia hội chợ, lo trưng bày sản phẩm, lo giới thiệu với bán hàng cho khách đi hội chợ. Hội chợ tết tây diễn ra từ 31 tháng 12 đến hết ngày 3 tháng 1. Kết thúc hội chợ cũng đồng nghĩa với hết tết tây.
Hội chợ tết chưa đủ, tôi còn đi cả hội chợ cuối tuần, hội chợ đêm…
Nhưng công việc của tôi đâu chỉ có mảng sale, tôi còn phải lo nhập hàng, quản lý thu chi, làm marketing, tuyển người làm việc part time ở hội chợ… Tôi làm việc hùng hục không biết ngày đêm.
Lúc đó, tôi tự nhủ, cố gắng lên, bây giờ cố gắng nỗ lực làm để sau này khá lên sẽ không còn phải cực như thế này nữa.
Nhưng cuối cùng sức khỏe đã không cho phép tôi làm việc liên tục với cường độ như vậy. Tôi đành gác lại hết mọi việc để nghỉ ngơi điều dưỡng lại.
Câu chuyện thứ 2.
Tôi nhớ có một bạn trong Group Content Marketing Masters, làm freelancer nhận các job viết nội dung, quản lý fanpage, chăm sóc web… Bạn ấy nhận job làm liên tục, ăn uống không đàng hoàng, ngủ không đủ giấc, dẫn đến kiệt sức phải nhập viện truyền nước biển.
Trước đó, bạn ấy có nói với tôi, đang lúc làm được nên em muốn nỗ lực cày thật nhiều 1 thời gian, em muốn dư dả hơn 1 chút để sau này cuộc sống cũng được thoải mái hơn. Nhưng thế nào mới gọi là dư dả hơn 1 chút, trong khi công việc thì cứ cuốn bạn đi tiếp, và đi mãi.
Sau lần nhập viện đó, bạn đã chịu bớt việc lại, làm việc hợp lý và ăn uống đầy đủ.
Câu chuyện thứ 3.
Tôi cũng nhớ đến một người bạn đang khởi nghiệp về công nghệ thông tin. Nhà bạn ở Thủ Đức, mỗi ngày đều chạy xe từ nhà đến chỗ làm việc chung với đội nhóm ở quận 1.
Bạn kể, nhiều hôm đi vào lúc trời mưa tầm tã, gió mạnh muốn thổi bay cả chiếc xe, mưa thì mù mịt che khuất tầm nhìn, vừa chạy vừa thấy mắt cay cay, nhưng nghĩ mình cố gắng thế này thì chắc chắn mình sẽ thành công thôi, sau này mọi chuyện chắc chắn sẽ tốt hơn, sau này mình chắc chắn không còn phải cực khổ như thế nữa…
Mỗi khi nghe bạn ấy kể về những nỗ lực với hy vọng rất mạnh mẽ vào ngày mai tươi sáng, tôi cũng không tiện nói gì. Nói làm sao với một người đang vô cùng tràn trề hy vọng…
Những người ra làm riêng, thường không tránh khỏi ban đầu rất năng lượng, rất quyết tâm. Họ có thể làm hùng hục bất kể ngày đêm, bất chấp sức khỏe, trong mắt chỉ có công việc và công việc.
Nhưng ra làm riêng không phải là chuyện ngày một ngày hai, không phải chỉ cố gắng 1 lần là được, không phải chỉ nỗ lực 1 thời gian là được, mà đó là chuyện trường kì.
“Thành công không phải là một đích đến, đó là một hành trình”
Câu nói này đúng, nhưng theo tôi là diễn đạt chưa đủ ý, có thể gây hiểu nhầm rằng thành công chỉ có một hành trình.
Xin phép được diễn giải lại câu nói này để làm rõ hơn như sau: Thành công không phải là một đích đến duy nhất, đó là cả một hành trình với những cột mốc nối tiếp nhau.
Khi bạn vừa chạm đến một mục tiêu cũng là lúc bạn bắt đầu bước qua hành trình chinh phục mục tiêu mới. Bạn buộc phải tiếp tục vận động, tiếp tục phát triển.
Cuộc sống là luôn tiến về phía trước, luôn thay đổi để phát triển.
Đừng nỗ lực 1 lần cho mãi mãi, vì sẽ không có cái gọi là nỗ lực 1 lần, mà là nỗ lực rất nhiều lần, nỗ lực liên tục.
Cho nên cứ cố quá coi chừng quá cố.
Cần chuẩn bị sức khỏe và tinh thần cho một hành trình dài, đừng dốc hết sức cho 1 lần rồi không còn sức để tiếp tục, bạn nhé.
Võ Ngọc Đông Phương