Trong cuộc sống, bạn sẽ thấy có những người, cứ mở miệng ra là “tại” “bị” “bởi”, như câu chuyện về anh tài xế mà tôi sắp kể bạn nghe sau đây, và cũng có những người dám nhận trách nhiệm về mình, không lý do, không đổ lỗi. Theo bạn, người nào sẽ gặp được những suôn sẻ, thuận lợi hơn?
Chúng ta sẽ bàn về điều này ngay bây giờ nhé.
Cách đây vài hôm, tôi có đặt Grab car chạy từ Quận 1 lên Gò Vấp đi công việc. Người tài xế đã tạo cho tôi “ấn tượng khó phai” bởi một đặc điểm rất đặc biệt ở anh ta: Chuyện gì anh ta cũng có thể đổ lỗi.
Vừa lên xe, anh ấy than Quận 1 đường chật xe đông hay bị tắc đường quá, có một đoạn ngắn chút xíu từ chỗ anh ta đến chỗ tôi thôi mà đi lâu kinh khủng. Đường xá gì làm mất thời gian quá.
Dọc đường, khi vừa đi vừa nói chuyện qua lại với nhau, anh ta toàn kể lể những khó khăn, những khó chịu mà anh ta gặp phải khi chạy Grab. Nào là chạy thì không có bao nhiêu tiền mà gặp khách trời ơi thấy thật phiền phức bực bội. Rồi nào là Grab giờ nhiều quá chạy không được nhiều như trước nữa. Anh ấy đang chán, chắc sắp tới sẽ ngưng không chạy Grab nữa.
Đang chạy, bỗng nhiên xe phải thắng gấp một cú hết cả hồn. Tôi chúi nhủi cả người lên ghế phía trước. Cũng may chưa xảy ra va chạm với chiếc xe ngay phía trước đầu xe. Anh tài xế lại nhanh miệng nói ngay, tại chiếc xe kia chạy kiểu gì không biết, chạy xe ở thành phố mà làm như đi đường làng, thật là không chịu được…….
Gần đến nơi, phải vòng qua đảo lại vài vòng tìm địa chỉ (khu này địa chỉ có hơi khó tìm), anh ta lại ca thán và chửi luôn chính quyền làm ăn chẳng ra gì, có chuyện đặt địa chỉ cũng làm lung tung cả lên.
Những người mang trong mình tư duy đổ lỗi, cho mình là nạn nhận như anh tài xế này thật ra thời nay không hiếm gặp. Nguyên nhân là do đã quen được gia đình bao bọc, nuông chiều, thích hưởng thụ hơn là nỗ lực làm việc, cho rằng mọi người xung quanh đều phải có nghĩa vụ làm theo ý của mình, có sức ì lớn, sức chịu đựng càng kém.
Các bạn trẻ ra trường thất nghiệp thì nói tại công ty không biết đánh giá đúng năng lực người tìm việc, không biết coi trọng người đi làm… Gia đình đổ vỡ thì người vợ nói tại chồng, người chồng nói tại vợ… Con hư, con không nên người thì nói tại ba mẹ chiều, tại thầy cô không biết dạy…
Chừng nào ta còn chưa chịu thừa nhận mọi chuyện xảy ra với ta đều có phần trách nhiệm của ta, thì ta vẫn tiếp tục đổ lỗi để bao biện cho bản thân. Cuộc đời của ta vẫn tiếp tục bị phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
Công việc này chán quá!
👉 Phải chăng bạn đã chưa chủ động đề xuất với sếp để làm cho nó thú vị hơn?
Kinh doanh này không hiệu quả!
👉 Phải chăng có chỗ nào bạn đã làm chưa đúng cách, hoặc chưa làm hết sức mình?
Cuộc sống của tôi thật tồi tệ, chẳng bao giờ gặp được may mắn, toàn đụng phải chuyện gì đâu không!
👉 Bạn có đang đối xử tốt với cuộc sống không? Bạn có đang nhìn đời bằng con mắt “tại” “bị” “bởi” không? Có chuyện nào xảy ra là do một phần trách nhiệm của bạn trong đó không?
Tại tôi không có thời gian, tại tôi không có nhiều tiền, tại ba mẹ tôi không làm lớn, tại thằng kia nó ghét tôi, tại con kia nó đẹp hơn tôi, tại số tôi xui, tại công ty đối thủ kia nó mạnh vốn quá, tại xã hội bất công quá…….
Vấn đề lúc nào mà chẳng có.
Khi gặp vấn đề, cách phản ứng tốt nhất là nhận lãnh trách nhiệm về mình, dám nói “tại tôi” để tập trung vào việc tìm cách giải quyết vấn đề, chứ không phải tập trung vào việc đào bới thêm vấn đề để tìm lý do.
Đó cũng là cách nghĩ mà những người thành công vẫn đang làm, dám nhận trách nhiệm về mình.
Ngoài ra, nhận lãnh trách nhiệm về mình còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Chỉ những người trưởng thành mới dám nhận trách nhiệm, gánh vác trách nhiệm.
Nhận lãnh trách nhiệm luôn cần có sự tự ý thức và lòng can đảm.
Nếu bạn muốn làm việc gì cũng suôn sẻ thuận lợi, hãy dám nhận trách nhiệm, hãy dám gánh vác thay vì đùn đẩy cho một người nào khác.
Võ Ngọc Đông Phương
——————
(*) Bạn muốn đặt lịch coach TRÀ SỮA BUỔI SÁNG, bấm vào TRÀ SỮA BUỔI SÁNG xem thông tin.
——————
Bạn cũng muốn đọc:
Chương Trình “Trà Sữa Buổi Sáng” Là Gì?
Cá Tháng Tư Và Những Lời Nói Dối Chân Tình
9 Từ Khóa Cần Nhớ Giúp Bạn Làm Việc Tập Trung