Luôn Biết Mình Muốn Gì Để Kiến Tạo Cuộc Sống Trọn Vẹn

Luôn biết mình muốn gì để kiến tạo cuộc sống trọn vẹn.
Luôn biết mình muốn gì để kiến tạo cuộc sống trọn vẹn.

Nếu chỉ được mang theo 1 hành trang duy nhất đi cùng bạn suốt cả cuộc đời, bạn sẽ chọn thứ gì? – Hãy chọn “Biết Mình Muốn Gì“.

VÌ SAO NÊN CHỌN “BIẾT MÌNH MUỐN GÌ”?

Bạn thử nghĩ xem, cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu như bạn không biết mình đang mong muốn điều gì?

Tôi muốn làm một công việc như thế nào? – Không biết.

Tôi muốn người khác nhìn nhận, đánh giá cao về tôi ở điểm nào? – Không biết.

Tôi muốn có những người bạn như thế nào? – Không biết.

Tôi muốn dạy gì cho những đứa con của tôi? – Không biết.

Tôi muốn gì trong cuộc đời này? – Không biết… 

Có phải nếu tất cả câu trả lời của bạn đều là “Không biết”, mọi thứ đối với bạn dường như thật mơ hồ, mông lung, vô định? Không có mục tiêu, không biết phải làm gì. Bạn hoàn toàn bị động với những điều xảy đến cho bạn. Có biến thì tìm cách đối phó. Không có biến thì cứ để cuộc sống lững lờ trôi.

BỐN NGUYÊN NHÂN CHÍNH KHIẾN BẠN KHÔNG BIẾT MÌNH MUỐN GÌ.

1. Do bạn muốn quá nhiều thứ trong cùng một lúc.

Muốn nhiều thứ đồng nghĩa với chẳng biết mình muốn gì. Cái gì bạn cũng muốn. Bạn không thích đưa ra quyết định chọn lựa nên bỏ cái gì đi.

2. Do bạn chưa tự tin hoặc chưa sẵn sàng với cái mình muốn.

Bạn có mong muốn, nhưng thực tế là bạn chưa có điều kiện, chưa có đủ khả năng để biến mong muốn đó thành hiện thực. Bạn e ngại, bạn thấy khó. Nên bạn bỏ qua.

3. Do cuộc sống của bạn quá êm đềm, quá đầy đủ, quá tuyệt vời.

… đến nổi bạn thấy không cần thiết phải mong muốn thêm điều gì.

4. Do bạn lười.

Lười các thể loại: lười suy nghĩ, lười học hỏi, lười làm việc, lười cọ xát, lười phấn đấu…  

CÓ BA DẠNG NGƯỜI.

1. Người “Biết Mình Muốn Gì”

Đây là dạng người cho dù chưa có gì trong tay cũng sẽ nghĩ ra cách để tạo nên những thứ mình muốn có

Họ là dạng người bật dậy khỏi giường vào mỗi buổi sáng mà không cần được nhắc nhở. Họ luôn tìm cách làm tốt hơn việc họ đang làm để đạt được điều họ mong muốn. Họ cảm nhận được niềm vui trong từng việc họ làm. Khi thành công, họ tận hưởng hạnh phúc. Nếu thất bại, họ không cảm thấy hối tiếc vì đã nổ lực hết sức mình.

Đầy năng lượng, nghị lực, kiên cường và lạc quan là dấu hiệu của những người “Biết Mình Muốn Gì”.

Nhận diện những người biết mình muốn gì.
Nhận diện những người biết mình muốn gì.

2. Người “Nhận Biết” mình đang ở trạng thái “Chưa Biết Mình Muốn Gì”

Biểu hiện chung của dạng người này là tự ti với bản thân, khép kín, rụt rè, thường có những suy nghĩ không tích cực. Họ dễ dàng ngưỡng mộ người khác nhưng lại đánh giá rất hà khắc với bản thân.

Đây là dạng người dù có tất cả điều kiện tốt đẹp nhất trên thế gian vẫn không tự tin vào những gì mình đang có.

3. Người “Không Nhận Biết” mình đang “Không Biết Mình Muốn Gì”

Là những người cứ cho là mình đã biết rất rõ, dù thật ra mình không hề biết rõ như mình đã nghĩ.

Dạng người này nhìn rất năng lượng, quyết đoán, mạnh mẽ, có phần cố chấp. Đa phần, do họ muốn quá nhiều dẫn đến mắc kẹt trong chính những mong muốn của họ.

Họ hay cảm thấy bất an. Làm chuyện gì cũng không thật hài lòng. Họ cảm thấy luôn có điều gì đó ngăn cách họ với sự thỏa mãn, thoải mái, bung xõa thật sự.

Họ ép mình phải luôn năng nổ, luôn vận động.

Họ biểu hiện ra ngoài bằng những hành động quyết liệt, sẵn sàng đối đầu để đạt được điều họ muốn. Nếu không đạt được mục tiêu, thì nguyên nhân là do mọi tác nhân xung quanh, trừ họ ra. Còn nếu đạt điều mong muốn, họ lại không thấy thỏa mãn vui sướng gì cho lắm, họ lờ mờ cảm thấy hình như đây chưa phải là điều họ thật sự muốn.

BIẾT MÌNH MUỐN GÌ LÀ SỰ MINH TRIẾT.

Dẫu rằng có thể ai cũng công nhận với tôi là “Biết Mình Muốn Gì” có tầm ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của chúng ta, thế nhưng nhiều người thà chọn “Không biết mình muốn gì” chứ không muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi thực sự mong muốn điều gì trong cuộc đời này?“, bởi nó không hề dễ dàng để trả lời.

Có thể liên tưởng việc tìm ra câu trả lời này cũng giống như chuyện đãi cát tìm vàng, chọn ra một thứ quý giá giữa vô vàn thứ trộn lẫn vào nhau. Có người sống cả đời cũng chẳng thể tìm được “vàng” từ trong cát. Cũng có người cả cuộc đời chưa từng nghĩ đến chuyện phải trả lời câu trả lời đó, chưa từng nghĩ phải “đãi cát tìm vàng” cho chính mình. Khó quá mà.

“Biết Mình Muốn Gì” là cả một hiểu biết lớn. Hiểu biết này không đến từ những kiến thức bên ngoài bạn đã nạp vào người, không đến từ những việc bạn đã làm, mà chủ yếu đến từ bên trong bạn. Chúng được hình thành từ những “Trích Xuất Tổng Hợp” mà bạn tích lũy được trong cuộc sống từ trước đến nay, bao gồm những hiểu biết, những khả năng của bạn, những sở thích, những trải nghiệm, những bài học, những va chạm, những nổi đau, những cảm xúc thăng hoa, những mối quan hệ…

Vì là kết quả “Trích Xuất Tổng Hợp” của mỗi cá thể, nên câu trả lời cho “Biết Mình Muốn Gì” ở những người khác nhau sẽ có sự khác nhau. Người ta có thể sao chép câu trả lời của người khác thành của họ, nhưng đó chắc chắn không phải là câu trả lời phù hợp dành cho họ.

Đến cuối cùng, “Biết Mình Muốn Gì” là sự minh triết mà mỗi người phải tự mình chạm đến.

"Biết mình muốn gì" là sự minh triết.
“Biết mình muốn gì” là sự minh triết.

Có câu chuyện rằng, hai con hổ nọ, một con sống ở trong rừng, con còn lại sống ở trong chuồng. Cả hai con hổ đều ngưỡng mộ nơi ở của nhau, con này muốn được sống cuộc sống của con kia. Một hôm, chúng thỏa thuận đổi chỗ cho nhau.

Ban đầu, cả hai rất thích thú với cuộc sống mới. Một con được sống tự do, một con được ăn uống no say không lo nghĩ đến chuyện đi kiếm ăn. Nhưng sau đó ít lâu, cả hai con hổ đều chết. Một con không biết săn mồi, đói mà chết, một con chết vì buồn, vì tù túng. 

Bạn thấy đấy, bởi vì chúng ta không biết mình muốn gì nên cứ mãi chạy theo muốn cái người khác đang có. Cho đến khi có được cái giống như của người ta mới nhận ra thứ ấy không hợp với mình, thì có khi đã quá muộn màng.

Hãy chọn “Biết Mình Muốn Gì” để được hạnh phúc với việc mình làm, và an lạc với những gì mình đang có.

Mong rằng chia sẻ này sẽ có ích cho bạn trên hành trình đi tìm chính mình, đi tìm ý nghĩa cuộc sống.

Võ Ngọc Đông Phương 

——————

(*) Bạn muốn đặt lịch coach TRÀ SỮA BUỔI SÁNG, bấm vào TRÀ SỮA BUỔI SÁNG xem thông tin.

——————

Bạn cũng muốn đọc:

Chương Trình “Trà Sữa Buổi Sáng” Là Gì?

Cuộc Sống Là Những Lựa Chọn, Để Lựa Chọn Đúng Cần Biết Điều Này

Phải Chăng Người Ta Đến Với Nhau Đều Cần Có Lý Do?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *