Bạn Nguyễn Thế Nam, một người bạn cá tính, một cây bút hơi bị thú vị, có hỏi tôi về ý nghĩa của từ “thiên mộc”. Sẵn đang hứng thú về đề tài chữ nghĩa nên dạo chơi cùng ngôn từ số 3 này tôi chọn phân tích từ “thiên mộc”, cũng là món quà gửi tặng đến người bạn Hà Nội này.
Một từ nghe ra cũng có vẻ đơn giản, nhưng lại không hề đơn giản chút nào bạn ạ. Thôi thì tôi sẽ cố gắng hết sức với yêu cầu đặc biệt này.
Mời bạn cùng tôi tìm hiểu về từ này qua bài viết hôm nay nhé.
Nói đến “thiên mộc” người ta thường nghĩ ngay đến ý nghĩa “cây trên trời”. Tuy nhiên, bản thân mỗi chữ khi đứng riêng lẻ đã có nhiều nghĩa, nên khi ghép đôi vào thì lại càng thêm phức tạp.
🌴 Nghĩa của “thiên”:
– Thiên là trời.
– Thiên là người giỏi nhất, đứng đầu một nghìn người (người có chức quan thời phong kiến).
– Thiên là từng phần lớn của một quyển sách cổ. Trong một quyển sách chia làm nhiều thiên, trong mỗi thiên có nhiều chương. Ví dụ như sách Luận ngữ có cả thảy hai mươi thiên.
– Thiên để diễn tả một cái gì đó thật trang trọng, có giá trị lớn. Ví dụ: thiên tiểu thuyết nổi tiếng.
– Thiên là nghiêng về một bên, chú trọng quá mức về một mặt nào đó. Ví dụ: thiên vị, thiên kiến, tác giả ấy có lối viết thiên về thực dụng.
– Thiên còn là rất, hết sức. Ví dụ: thiên năng tả chân (rất giỏi vẽ hình người).
🌴 Nghĩa của “mộc”
– Mộc là cây lớn.
– Mộc là bụi cây nhỏ.
– Mộc là đồ gỗ.
– Mộc là trạng thái thô sơ, chưa được gọt giũa, chưa được tô điểm cho đẹp hơn.
– Mộc là cái chuôi của thanh kiếm thời xưa (phần bên dưới đỡ thanh kiếm).
Thế thì khi “thiên” đi với “mộc”, tùy theo ngữ cảnh thực tế mà ta hiểu thành nhiều nghĩa khác nhau.
🌴 Một số ý nghĩa gợi ý của tác giả tôi cho từ “thiên mộc”:
1. Cây trên trời
2. Cây rất lớn
3. Sự mộc mạc của trời
4. Rất mộc mạc
5. Thích mộc mạc
6. Rất thích cây cối (thiên nhiên)
7. Vũ khí của vị tướng tài
Chúng ta vừa đi qua ý nghĩa của từ “thiên mộc”, một từ có quá nhiều nghĩa phải không bạn? Mong rằng bạn đã có thêm một từ hay để đưa vào “từ điển ngôn từ” của mình.
Hẹn gặp lại bạn ở những kì dạo chơi cùng ngôn từ tiếp theo.
Võ Ngọc Đông Phương
Dạo chơi cùng ngôn từ số 1, “thiên lương”
Dạo chơi cùng ngôn từ số 2, “kim anh”