Bài 1. Chiến Lược Marketing Là Gì? Vì Sao Phải Xây Dựng Chiến Lược Marketing?

Xây dựng Chiến Lược Marketing
Xây dựng Chiến Lược Marketing

Mỗi khi nghe nói tới Chiến Lược Marketing, chúng ta thường cảm thấy sao mà nó hoành tráng, cao siêu đến thế. Và chúng ta yêu thích cụm từ này, sử dụng chúng liên tục như là một trào lưu thể hiện mức độ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, liệu rằng cụm từ phổ biến này đã được hiểu đúng, làm đúng chưa?

Chiến lược Marketing thật ra là gì? Xây dựng chiến lược Marketing là làm cái quái gì? Tại sao tôi cần phải có chiến lược Marketing? Điều quan trọng nhất trong xây dựng chiến lược Marketing là gì?…

Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này.

Nếu bạn muốn có cái nhìn rõ ràng và dễ hiểu nhất về xây dựng chiến lược Marketing, hãy cùng tôi đi đến hết nội dung này nhé.

1. CHIẾN LƯỢC MARKETING LÀ GÌ?

Đầu tiên, để tìm hiểu về Chiến Lược Marketing, chúng ta cần biết Chiến Lược là gì.

Giải thích một cách đơn giản, Chiến Lược là cách thức làm 1 điều gì đó để bạn đạt được mục tiêu mong muốn.

Tôi lấy ví dụ câu chuyện của một cô em người quen của tôi cho các bạn dễ hình dung.

Cô ấy có một mong muốn mãnh liệt từ khi còn là sinh viên, đó là phải lấy được chồng giàu. Và cô đặt nó thành mục tiêu, đến năm cô 30 tuổi, cô sẽ kết hôn với người chồng mà cô mơ ước. <Mục Tiêu Marketing & Phân Khúc Thị Trường>

Thế là cô bắt đầu vẽ ra chân dung người chồng trong mơ của cô. Anh ta bao nhiêu tuổi, anh ta sống ở đâu, anh ta có thể có những sở thích gì, một người có tiền như anh thì thường có mặt ở những nơi nào, làm việc ở đâu, đi ăn uống giải trí ở đâu… <Phân Tích Khách Hàng>

Vậy thì, hiện tại cô đang có gì, và chưa có gì, cô có điểm mạnh điểm yếu nào, cô có cơ hội và những khó khăn nào trên đường đi tìm người trong mơ của cô… <Phân Tích Sản Phẩm & Phân Tích SWOT>

Sau khi xác định cô có ưu điểm gì, và thiếu gì, cô biết cô cần bổ sung điều gì để tương xứng với anh. Cô phải xinh đẹp, phải có phong cách để anh luôn hãnh diện khi đi cùng. Ngoài ra, thời bây giờ, đẹp thôi chưa đủ, cô cần phải giỏi, phải có tri thức nữa, để giúp đỡ cho anh trong công việc và sự nghiệp…

Suốt thời gian đại học, trong khi bọn bạn cô vừa đi học vừa đi làm thêm để có thu nhập trang trải thì cô dùng thời gian đó học thêm rất nhiều thứ. Ngoài chuyên ngành chính đang theo học, cô còn học cách ăn nói, học thuyết trình, học phong cách giao tiếp trong kinh doanh, học về thời trang, làm đẹp, học anh văn, học nghiệp vụ trợ lý giám đốc… <Xây Điểm Khác Biệt cho Sản Phẩm>

Khi ra trường, cô chọn nộp đơn tìm việc ở những công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam, hoặc những công ty có tên tuổi trên thị trường, vì cô nghĩ người chồng tương lai của cô sẽ có liên hệ trong công việc với những nơi như thế. Tóm lại, cô chọn chỗ làm cũng như hay tới lui những chỗ vui chơi giải trí mà người giàu sẽ đến. <Chiến Lược Phân Phối>

Và rồi, một thời gian sau, cô đã gặp được “người trong mơ”, anh là một khách hàng lớn của công ty cô.
Việc tiếp theo cô cần làm dĩ nhiên là thu hút sự chú ý của người ấy. <Chiến Lược Truyền Thông>

Tôi sẽ không kể tiếp cái kết thúc happy ending của câu chuyện như thế nào, vì tôi cần bạn quan tâm đến những gì cô em của tôi đã làm hơn. Cô đã có những cách thức rất rõ ràng chi tiết để đi đến mục tiêu mong muốn. Hay nói cách khác, cô đã thực hiện các to-do-list của cô 1 cách có chiến lược.

Tóm lại, nếu bạn có cách thức thực hiện rõ ràng để đạt một mục tiêu cụ thể nào đó tức là bạn có chiến lược cho chuyện đó.

Khi làm việc gì 1 cách có chiến lược, khả năng chúng ta đạt được mục tiêu cao hơn là làm không có chiến lược.

Trở lại với Marketing, vậy Chiến Lược Marketing rốt cuộc là gì?

Chiến Lược Marketing là khai thác, phân tích những thông tin về sản phẩm/thương hiệu của chính mình, những thông tin về thị trường, về khách hàng, về đối thủ… để đưa ra những định hướng Marketing, những cách thức thực hiện phù hợp với từng giai đoạn của doanh nghiệp, nhằm đạt được những mục tiêu Marketing đã đề ra.

Mục tiêu Marketing giúp mình biết mình sẽ đi đến đâu.

Còn những thông tin về doanh nghiệp của mình, về thị trường, về khách hàng, về đối thủ… giúp mình biết vị trí hiện tại của mình đang ở đâu, và biết mình nên đi theo đường hướng nào để đến mục tiêu.

Có 2 yếu tố quan trọng nhất cần phải có khi bạn xây dựng chiến lược Marketing, đó chính là:

1. Mục tiêu Marketing.

2. Những thông tin, dữ liệu cần thiết cho việc ra quyết định nên làm gì.

Không có mục tiêu, không có thông tin cần thiết, không thể nói bạn đang làm chiến lược.

2. VÌ SAO CẦN PHẢI XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC MARKETING?

Như đã nói ở trên, khi làm việc gì 1 cách có chiến lược, khả năng đạt mục tiêu sẽ cao hơn làm không có chiến lược.

Chiến lược Marketing cũng giống như bản vẽ thiết kế xây dựng của một căn nhà. Bản vẽ thiết kế cho bạn biết cấu trúc của căn nhà. Nhà sẽ có bao nhiêu tầng, mỗi tầng có những phòng chức năng nào, bạn cần bao nhiêu vật liệu xây dựng để xây căn nhà, bao nhiêu sắt thép, bao nhiêu gạch, bao nhiêu sơn…

Làm Marketing cần có chiến lược cũng giống như xây nhà cần có bản vẽ thiết kế vậy.

Nó cho bạn cái nhìn tổng thể về chuyện bạn đang làm.

Nó cho bạn biết những gì cần làm để có được căn nhà thực tế giống như trong bản vẽ.

Chiến lược Marketing giúp bạn xác định vị trí hiện tại trên thị trường, mục tiêu bạn cần hướng tới, cho bạn biết những đối thủ của bạn là ai, đang làm gì, nguồn lực của bạn so với đối thủ như thế nào, bạn có nên né họ để tránh tổn thất, hay chọn cách đối đầu trực diện, bạn nên làm những gì để đạt mục tiêu với nguồn lực và chi phí tối ưu nhất…

Cho nên, “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” là tư duy chiến lược. Và chiến lược Marketing chính là tấm bản đồ để bạn biết đường mà làm Marketing sao cho hiệu quả.

3. BA MỤC TIÊU MARKETING CHÍNH.

Mục tiêu Marketing là 1 trong 2 yếu tố quan trọng nhất bạn cần phải có khi xây dựng chiến lược Marketing.

Trong Marketing tổng thể và đối với Marketing Online nói riêng, bạn sẽ thấy có rất nhiều mục tiêu Marketing khác nhau. Nhưng chính yếu nhất thì tôi chia thành 3 mục tiêu như sau:

MỤC TIÊU DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN

– Giúp tăng lượng tiêu thụ hành hóa/dịch vụ, khách hàng mua nhiều hơn.

MỤC TIÊU VỀ THỊ PHẦN

– Giúp tăng mức thâm nhập thị trường lên, mở rộng tập khách-hàng-mới biết đến và mua sản phẩm.

– Giúp tăng mức độ trung thành đối với những khách hàng hiện có.

MỤC TIÊU GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU

– Giúp thương hiệu có chỗ trong tâm trí khách hàng.

– Giúp tăng giá trị sử dụng của sản phẩm, khách hàng chấp nhận mua sản phẩm với giá cao hơn.

– Giúp thương hiệu trở thành biểu tượng tự hào đối với khách hàng.

Đây là 3 mục tiêu lớn trong Marketing tổng thể. Còn khi triển khai thành nhiều hoạt động Marketing khác nhau thì các bạn cần phải cụ thể hóa chúng ra thành những mục tiêu có số lượng và chỉ số đo lường rõ ràng theo nguyên tắc đặt mục tiêu S-M-A-R-T.

 

Nào, giờ thì bạn hãy đặt ra các mục tiêu Marketing cụ thể và bắt đầu việc hoạch định chiến lược Marketing cho công ty mình nhé.

 

Võ Ngọc Đông Phương 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *