Khi Facebook thay đổi thuật toán phân phối nội dung nhưng thuật toán đó không đâu xa lạ – chính là bê nguyên xi của Tik Tok về – thì Facebook đã tự mình thừa nhận tình trạng sụt giảm vị thế dẫn đầu về tay một mạng xã hội video ngắn có tốc độ phát triển cực nhanh là Tik Tok. Bằng chứng là lượng người dùng của Facebook ngày càng giảm đi đáng kể.
Facebook định thay đổi thuật toán như thế nào?
Để cứu vãn tình thế, Facebook quyết định chuyển sang ưu tiên phân phối nội dung dựa trên sở thích, mối quan tâm của người dùng, chứ không chỉ dựa trên những tài khoản đã kết bạn và những tài khoản mà người dùng đã bấm theo dõi như từ trước tới nay.
Điều này có nghĩa là gì?
Nếu trước nay tab mặc định của Facebook là “New Feed”, thì sắp tới sẽ là “Home”, có hoạt động tương tự như tab “Dành cho bạn” thần thánh của Tik Tok, chính là nơi đề xuất những nội dung mới theo sở thích để mọi người có thể khám phá những nội dung mới.
Nếu trước đây bạn cần phải kết bạn, cần phải follow một người thì bạn mới nhìn thấy bài viết của người đó hiện lên trên New Feed của bạn, thì sắp tới đây bạn có thể nhìn thấy những bài viết hoặc video từ những người hoàn toàn xa lạ mà bạn không quen, chưa từng kết bạn, cũng chưa ấn follow bao giờ, chỉ cần họ có nội dung thú vị hoặc đúng đề tài mà bạn đang quan tâm, đang thích.
Khi bắt đầu triển khai Content Marketing trên Tik Tok từ hơn 1 năm trước, tôi đã thấy thuật toán phân phối nội dung của Tik Tok thật sự “ghê gớm”. Nếu như đối với Facebook, bạn cần phải mất một khoảng thời gian nhất định cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân thì mới có thể “nổi tiếng”, thì đối với Tik Tok, nó có thể giúp bạn nổi tiếng chỉ sau 1 đêm theo đúng nghĩa đen.
Điều này cho phép những người làm sáng tạo nội dung đều có cơ hội ngang bằng nhau khi tham gia vào sân chơi marketing trên nền tảng Tik Tok.
Bất kể họ là người tham gia đã lâu hay mới tham gia, bất kể họ đã có rất nhiều lượt follow hay chưa có ai bấm follow, miễn là họ tạo ra được những nội dung giá trị, những nội dung thu hút người xem thì họ đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận đến mọi người.
Tất cả sẽ lấy chất lượng nội dung, lấy sự quan tâm và yêu thích của người dùng đối với nội dung ra làm tiêu chuẩn quan trọng nhất để phân phối nội dung.
Thuật toán này không phụ thuộc vào việc ai “sống lâu” thì sẽ “lên lão làng”, ai có nhiều bạn bè, có nhiều follow thì mới được hiển thị nhiều, mà phụ thuộc phần lớn vào nội dung, nội dung và nội dung.
Theo nhận định của tôi, việc thay đổi thuật toán lần này làm cho Facebook từ một mạng xã hội có giá trị cốt lõi là kết nối mọi người trở thành mạng xã hội trải nghiệm nội dung y như đối thủ của họ. Điều này đã góp phần đẩy họ đi xa khỏi định vị trước nay của mình.
Chưa biết liệu họ có thành công trong nỗ lực giành lại những user đã ra đi hay không, nhưng một khi đã rời xa định vị cốt lõi thì ngay cả những user còn ở lại cũng có khả năng hát cho họ nghe bài “Còn chút gì để nhớ” lắm chứ, nhỉ?
Hậu thay đổi thuật toán, cần làm gì?
Sau đây là một số điều cần làm, bạn xem tiếp nhé.
Với thuật toán mới, các bài post của bạn có khả năng tiếp cận đến rất nhiều người lạ chưa từng kết bạn trước đây, miễn là chúng có nội dung đúng sở thích, đúng sự quan tâm của họ. Cho nên, thời gian sắp tới bạn cần phải chịu khó đầu tư về mặt nội dung, hình ảnh và video để bắt kịp cơn sóng thay đổi của Facebook.
Càng ngày việc đào thải và chọn lọc lại những người làm Marketing có thực lực trong việc sản xuất nội dung chất lượng có xu hướng càng tăng.
Hãy chú trọng đầu tư cho nội dung chất. Bạn càng làm nội dung tốt bao nhiêu, bạn càng tiếp thị hiệu quả bấy nhiêu.
Như thế nào là nội dung chất?
Đó là những nội dung hướng đến người xem, tạo giá trị cho người xem, đúng nhu cầu, đúng sở thích, đúng insight của người xem. Người lạ thường không quan tâm nhiều đến cá nhân của bạn, mà quan tâm bạn mang đến cho họ được gì. Vì vậy, bạn nên giảm bớt những nội dung quá cá nhân, quá thể hiện bản thân không cần thiết.
Về hình ảnh, nên quan tâm đến việc up các hình minh họa có đầu tư về mặt thiết kế, đặc biệt là hình ảnh đi kèm những bài post dạng chia sẻ cộng đồng.
Về video, Facebook hiện đang ưu tiên cho các video ngắn đăng trên Story và Reels. Bạn có thể tận dụng làm video ngắn vừa đăng Tik Tok vừa reup được trên Face.
Đến thời điểm này, bạn không thể đứng bên ngoài dòng chảy của dạng nội dung bằng video ngắn được nữa, trừ khi bạn chỉ lướt mạng xã hội để giải trí chứ không hề có ý định marketing hay phát triển kinh doanh mua bán gì trên mạng xã hội.
Sẽ sớm thôi, kỹ năng làm video ngắn chắc chắn sẽ trở thành kỹ năng buộc phải có khi làm Social Marketing.
Nhớ nâng cấp kỹ năng làm nội dung của mình để thích nghi tốt với nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, bạn nhé.
Chúc bạn nhanh chóng thích nghi với một Facebook thay đổi thuật toán mới.
Võ Ngọc Đông Phương