Ranh giới mong manh giữa Content viral và Content bẩn … từ vụ việc 1 Tiktoker đang có hơn 600,000 follow bị cộng đồng mạng tẩy chay toàn tập, bị Tik Tok khóa luôn tài khoản, vì mượn chuyện giúp đỡ người nghèo rồi có những phát ngôn mang tính chất miệt thị, khinh thường, cười cợt trên hoàn cảnh của người ta để gây sốc, đẩy drama lên cao để câu like câu view.
Phân biệt Content viral và Content bẩn
Ở góc độ làm sáng tạo nội dung, bạn cần trả lời được câu hỏi: “Làm thế nào để có thể nhận biết đâu là Content viral, đâu là Content bẩn?”
Bạn nào đã, đang hoặc sẽ có ý định làm idol Tik Tok / làm sáng tạo nội dung bằng video, đặc biệt là video ngắn, thì vào xem há.
Để trả lời cho câu hỏi bên trên, bạn cần căn cứ vào một loại thước đo dùng để đo mức độ sáng tạo của Content, gọi là Thước Đo Năng Lực Sáng Tạo.
Thước Đo Năng Lực Sáng Tạo gồm có 3 vùng cụ thể như sau:
1. “Vùng hiểu biết phổ thông”
2. “Vùng sáng tạo”
3. “Vùng nổi loạn”
Nguyên tắc để có Content viral là Content đó cần nằm ở giữa “vùng hiểu biết phổ thông” và “vùng nổi loạn”, tức là nằm trong “vùng sáng tạo”.
Thước Đo Năng Lực Sáng Tạo
“Vùng hiểu biết phổ thông”
Một Content, đặc biệt là video Content, sẽ hơi bị “nhạt” nếu quá phổ thông, đưa ra những điều bình thường ai cũng biết. Những nội dung video nào nằm trong vùng này thường ít được quan tâm, ít được xem nhiều.
“Vùng nổi loạn”
Còn một Content đi quá xa ở “vùng nổi loạn”, đưa ra những điều ngược ngạo, thậm chí điên rồ, thì việc thu hút được đông đảo người xem trở nên rất hên xui, có thể sẽ rất thu hút, cũng có thể không.
Vậy một Content như thế nào thì nằm trong “vùng sáng tạo”?
Thì Content đó cần mang tính sáng tạo chứ còn sao nữa.
Nói đùa chứ Content đó sẽ cần có 1 trong 4 tính chất sau:
– Tính sáng tạo: Những nội dung mang tính sáng tạo thường khiến cho người xem trầm trồ thích thú, cho nên khả năng được viral thường rất cao, bởi cảm giác thú vị mà nó mang đến cho mọi người. Để biết làm creative Content, bạn sẽ cần học về các kỹ năng sáng tạo nội dung của Copywriter. Bạn có thể xem thêm những bài viết về creative Content của tôi tại đây nhé.
– Tính giá trị: Những nội dung có giá trị cũng rất dễ được lan truyền khi chúng có thể giúp cho người xem học hỏi thêm được một điều gì đó mới, hoặc giúp họ giải quyết được một vấn đề.
– Tính nhân văn: Nội dung mang tính nhân văn sẽ được viral rất mạnh trong những cộng đồng của những người hướng đến những điều tích cực, hướng đến tình yêu thương và trân trọng cuộc sống.
– Tính tranh luận: Bạn cần biết cách tạo ra những tranh luận cho nội dung của mình. Càng có nhiều tranh luận thì Content càng được viral, càng được nhiều người biết đến. Cho nên bạn thường nghe thấy những lời khuyên kiểu như gây sốc đi, giật tít câu view đi để kiếm follow, kiếm tương tác. Nó thậm chí còn được truyền miệng như là 1 công thức thần thánh để Content được viral. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ranh giới mong manh giữa Content viral hay Content bẩn, khi mà tính tranh luận bị đánh đồng thành chiêu thức tạo drama, gây sốc.
Nếu Content bạn tạo ra có 1 phe phản đối, nhưng 1 phe khác bênh vực, thì tạo thành viral.
Còn nếu bạn làm ra 1 Content mà ai cũng phản đối, không có một người nào đồng tình, thì Content đó chắc chắn có vấn đề.
Ngoài ra, bạn cũng đừng lầm tưởng Content nằm trong “vùng sáng tạo” thì hoàn toàn có thể tự do sáng tạo mà không có bất kì khuôn khổ hay phép tắc nào. Có những cấm kỵ bất thành văn trong 1 xã hội mà mỗi cá thể cần phải biết rõ và tôn trọng. Ví dụ như những quy tắc ứng xử, những giá trị đạo đức, nhân văn… Đi ngược lại với những giá trị luôn được cả xã hội coi trọng thì hệ quả là trở thành những Content bẩn ngay. Việc xúc phạm 1 người già trong một xã hội Việt Nam vô cùng coi trọng giá trị “kính trên nhường dưới” là điều không thể chấp nhận được. Và đó cũng là cái nguyên nhân lớn nhất dẫn đến làn sóng lên án và tẩy chay mạnh mẽ anh chàng tóp tóp kia.
Qua case drama này, chúng ta có thể thấy, giờ đây, tạo drama câu like câu view hoàn toàn không còn là chiêu thức vạn năng để giúp cho những người có thương hiệu cá nhân, những idol, những “người của công chúng” nổi tiếng hơn, mà có thể phản tác dụng, gây ra khủng hoảng về Brand Love, mà cụ thể ở đây là Personal-brand Love, thậm chí tệ hơn là hủy hoại luôn cái sự nghiệp idol mà họ đã dày công xây dựng lên. Vậy nên, muốn Content viral mà còn nhận được nhiều thiện cảm từ cộng đồng thì hãy tập trung cho những Content có giá trị, những Content mang tính nhân văn, những Content nằm trong “vùng sáng tạo”, các bạn nhé.
Trách nhiệm của người làm sáng tạo nội dung là hãy đưa ra nội dung 1 cách có trách nhiệm!.
Võ Ngọc Đông Phương
Thanks.